Rủi ro thanh khoản là gì & Chi tiết diễn biến của rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản là gì & Chi tiết diễn biến của rủi ro thanh khoản

Bởi 24 tháng 07, 2024 - 12:23 (GMT +07)

 

Thanh khoản là từ khóa quá quen thuộc với những ai đang hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử hoặc tài chính. Tuy nhiên, đối với nhiều người thì đây vẫn còn là một khái niệm gây khá nhiều lúng túng. Bài viết hôm nay sẽ giúp cho bạn hiểu rõ hơn về khái niệm rủi ro thanh khoản là gì cùng một số vấn đề khác liên quan đến chủ đề này.

1. Rủi ro thanh khoản là gì?

Trong tiếng Anh nó được gọi là Liquidity Risk, là một rủi ro trong lĩnh vực tài chính. Rủi ro này xảy ra khi ngân hàng bị thiếu quỹ hoặc tài sản ngắn hạn mang tính khả thi để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền và người đi vay.

Đây là một trong 3 loại rủi ro trọng yếu của ngân hàng thương mại. Theo quy định tại khoản 14 Điều 2 Thông tư 13/2018/TT-NHNN rủi ro thanh khoản là rủi ro hình thành do:

  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn.
  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn nhưng phải trả chi phí cao để thực hiện nghĩa vụ đó.

Rủi ro thanh khoản là gì?
Rủi ro thanh khoản là gì?

2. Cách xác định rủi ro thanh khoản đơn giản nhất

Để xác định được, người ta dựa vào công thức sau đây:

Tổn thất thanh khoản dự tính = Thâm hụt thanh khoản x chi phí thanh khoản

Trong đó:

  • Thâm hụt thanh khoản (> 0) = cầu thanh khoản - cung thanh khoản
  •  Chi phí thanh khoản bao gồm: Ngân hàng phải bán chứng khoán hoặc các tài sản khác với giá thấp; Ngân hàng phải huy động với lãi suất cao hơn để đáp ứng nhu cầu thanh khoản (mua thanh khoản trên thị trường).

>>>XEM THÊM<<<

3. Nguyên nhân dẫn đến rủi ro thanh khoản

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến Liquidity Risk trong lĩnh vực ngân hàng, đó là:

3.1. Do ngân hàng vay mượn quá nhiều

Được hiểu là nguồn lợi nhuận mà ngân hàng thu được về từ các khoản đầu tư không thể cân bằng được với số tiền mà ngân hàng phải bỏ ra để chi trả cho các khoản tiền lãi phát sinh từ tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

3.2. Do lãi suất thay đổi

Hiểu đơn giản là khi lãi suất tiết kiệm giảm thì khách hàng sẽ rút tiền tiết kiệm để đầu tư vào những nơi có lợi nhuận cao hơn. Và tương tự, khi lãi suất vay tăng lên thì khách hàng vay vốn cũng sẽ lựa chọn những nơi có lãi suất thấp hơn để vay. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến Liquidity Risk vì lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng gửi tiết kiệm hoặc khách hàng vay vốn.

4. Diễn biến của rủi ro thanh khoản

Diễn biến của nó thường diễn ra như sau:

  • Ngân quỹ của ngân hàng trong nhiều tháng liên tục bị suy giảm do ngân hàng bị hạn chế trong huy động, hoặc do ngân hàng có các tài sản chất lượng kém, không có khả năng thu hồi để hoàn trả.
  • Do một số thông tin bất lợi cho ngân hàng hoặc do yếu tố mất ổn định vĩ mô dẫn đến dòng tiền lớn bị rút đột ngột.
  • Ngân hàng phải huy động hoặc vay mượn các nguồn tiền với chi phí đắt đỏ hoặc bán các tài sản hiện có với giá thấp để có thể chi trả ngắn hạn, nhằm tránh được khả năng sụp đổ.
  • Liquidity Risk được đánh giá là nhẹ khi thu nhập của ngân hàng bị sụt giảm. Nếu cao hơn, ngân hàng có thể sẽ bị phá sản.

5. Hậu quả mà rủi ro thanh khoản đem lại

Đây là điều không một ngân hàng nào muốn gặp phải, bởi nếu không may gặp phải những rủi ro trong thanh khoản thì ngân hàng sẽ phải đối mặt với những hậu quả sau đây:

  • Ngân hàng sẽ phải nhanh chóng huy động vốn bằng cách tăng lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay cũng phải tăng lên và nó dẫn đến người vay sẽ ít đi. Như vậy, tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay sẽ bị giảm đi nhưng tiền lãi trả cho tiền gửi tiết kiệm lại tăng lên và dẫn đến tình trạng ngân hàng bị lỗ.
  • Khi gặp Liquidity Risk, ngân hàng sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu rút tiền tiết kiệm từ khách hàng, từ đó dẫn đến khách hàng không còn tin tưởng vào ngân hàng. Một khi không còn khách hàng tin tưởng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng thì ngân hàng cũng sẽ không có đủ nguồn vốn để duy trì các hoạt động cho vay tín dụng.

6. Phòng ngừa rủi ro thanh khoản xảy ra

Như chúng ta đã thấy ở trên thông tin về rủi ro thanh khoản là gì nếu ngân hàng gặp rủi ro này thì sẽ đối mặt với rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chính vì thế, phòng ngừa Liquidity Risk xảy ra luôn là một trong những vấn đề được các ngân hàng quan tâm hàng đầu. Dưới đây là một số biện pháp để phòng ngừa:

  • Nghiên cứu kỹ các nguyên nhân gây Liquidity Risk để từ đó có thể hạn chế được rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và tỷ giá hối đoái vì đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến rủi ro này.
  • Dựa vào những bản phân tích nhu cầu thanh khoản trong quá khứ để tìm ra được nhân tố ảnh hưởng cũng như thấy rõ được các biến động thanh khoản trong quá khứ để để ra biện pháp đáp ứng thanh khoản thích hợp.
  • Dự đoán được sự thay đổi của dòng tiền trong tương lai dưới tác động của lãi suất, lạm phát,...
  • Cần duy trì tốt mối quan hệ với người cho vay để có thể tránh được trường hợp rút tiền gửi trong lúc cấp bách hoặc khủng hoảng.
  • Nên hạn chế sự phụ thuộc vào một nhóm khách hàng chính và làm đa dạng hóa thêm các nguồn tiền.
  • Lập báo cáo thanh khoản hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để ban lãnh đạo có thể theo dõi và đưa ra những quyết định ngăn chặn rủi ro thanh khoản kịp thời.
  • Thiết lập các mức thanh khoản ngắn hạn và dài hạn, thử nghiệm các tình huống căng thẳng và đưa ra kế hoạch hữu hiệu trong những trường hợp khẩn cấp.

7. Quy định pháp luật về quản lý rủi ro thanh khoản của ngân hàng

7.1. Chiến lược quản lý, hạn mức rủi ro thanh khoản

Tại điều 48 Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về yêu cầu, chiến lược quản lý rủi ro và hạn mức rủi ro thanh khoản, cụ thể như sau:

Quản lý Liquidity Risk phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau đây:

  • Duy trì đủ tài sản có tính thanh khoản cao để đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong trong điều kiện ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động bình thường và có diễn biến bất lợi về thanh khoản (bao gồm cả việc xác định tổn thất, chi phí khi tiếp cận thanh khoản trên thị trường);
  • Thực hiện quản lý thanh khoản theo quy định tại Điều 49 Thông tư này;
  •  Xác định được chi phí đáp ứng nhu cầu thanh khoản và Liquidity Risk trong việc định giá vốn nội bộ, đánh giá kết quả kinh doanh đối với các hoạt động kinh doanh trọng yếu (bao gồm cả nội bảng và ngoại bảng).

Chiến lược quản lý bao gồm các nội dung như sau:

  • Nguyên tắc để quản lý thanh khoản;
  • Chiến lược đa dạng hóa nguồn vốn huy động, thời hạn vốn huy động để tăng sự ổn định Nợ phải trả, hỗ trợ thanh khoản hàng ngày;
  • Nguyên tắc thực hiện kiểm tra sức chịu đựng về thanh khoản.

Hạn mức bao gồm:

  • Các hạn mức rủi ro bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn;
  •  Các hạn mức khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

7.2. Quản lý thanh khoản như thế nào?

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện quản lý thanh khoản đối với:

  • Ngân hàng thương mại, chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  • Đồng Việt Nam và ngoại tệ (tối thiểu đô la Mỹ, bao gồm cả các ngoại tệ khác được chuyển đổi thành đô la Mỹ).

7.3. Nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro thanh khoản

Ngân hàng thương mại phải chủ động trong việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro thanh khoản. (Điều 50 Thông tư 13/2018/TT-NHNN).

  • Thứ nhất, nhận dạng rủi ro thanh khoản phải đảm bảo:
    + Thực hiện trên cơ sở phân tích nhu cầu thanh khoản, nguồn thanh khoản của từng hoạt động kinh doanh, cơ cấu Tài sản/Nợ phải trả và dòng tiền của các khoản mục nội bảng và ngoại bảng, khả năng tiếp cận thanh khoản trên thị trường;
    + Nhận dạng Liquidity Risk phát sinh từ rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro danh tiếng và các rủi ro khác.
  • Thứ hai, đo lường, theo dõi rủi ro thanh khoản tối thiểu đảm bảo các yêu cầu sau đây:
    + Có công cụ đo lường phù hợp để đo lường Liquidity Risk. 
    + Theo dõi việc tuân thủ tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, các tỷ lệ thanh khoản khác (nếu có).
  • Thứ ba, kiểm soát rủi ro thanh khoản phải đảm bảo:
    + Trạng thái phải đảm bảo tuân thủ các hạn mức Liquidity Risk.
    + Có các chỉ tiêu cảnh báo sớm về rủi ro này để có các biện pháp xử lý thiếu hụt thanh khoản tạm thời và dài hạn.

Trên đây là một số nội dung về rủi ro thanh khoản là gì? Citinews hy vọng rằng với những chia sẻ vừa rồi, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về loại rủi ro này và không còn cảm thấy lúng túng mỗi khi nghe ai đó nhắc đến từ khóa này.

Bình luận
Popup image default

Thông báo