Thế nào là rủi ro tín dụng & Các biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng

Thế nào là rủi ro tín dụng & Các biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng

Bởi 23 tháng 07, 2024 - 21:24 (GMT +07)

 

Rủi ro tín dụng là một trong những loại rủi ro có nguy cơ thường gặp nhất trong hoạt động ngân hàng. Không chỉ gây ra nhiều tổn thất cho ngân hàng mà còn có ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng vay vốn. Vậy rủi ro tín dụng là gì ? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm này cũng như các cách để giảm thiểu rủi ro tốt nhất.

1. Rủi ro tín dụng là gì?

1.1. Khái niệm rủi ro tín dụng

Các hoạt động tín dụng đem lại nguồn thu chính cho các ngân hàng nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nó được hiểu là những rủi ro phát sinh khi người vay không thực hiện đúng điều khoản được ký kết trong hợp đồng tín dụng, có thể là trả chậm, trả không đúng hạn, hoặc không thanh toán được đầy đủ các khoản nợ gốc và lãi,.. Hay nói cách khác là bên cho vay không thu hồi được khoản cho vay do khách hàng không đủ khả năng chi trả.

rui-ro-tin-dung-la-gi
Tìm hiểu thế nào là rủi ro tín dụng?

>>XEM THÊM<<

1.2. Phân loại rủi ro tín dụng hiện nay

Loại rủi ro này không chỉ giới hạn duy nhất ở họa động cho vay mà còn bao gồm nhiều hoạt động có tính chất tín dụng khác như: bảo lãnh, cam kết, tín dụng thuê mua, trái phiếu, cổ phiếu,...

Các loại rủi ro tín dụng hiện nay được phân thành nhiều loại khác nhau bao gồm: Rủi ro danh mục (Portfolio risk) và rủi ro giao dịch (Transaction risk ). 

Trong đó, rủi ro danh mục lại được phân thành hai nhóm là:

  • Rủi ro nội tại: Rủi ro này xuất phát từ các yếu tố mang tính riêng biệt của mỗi chủ thể đi vay hoặc ngành kinh tế.
  • Rủi ro tập trung tức là mức dư nợ được tập trung vào một khách hàng, một ngành kinh tế hoặc một khu vực địa lý. 

Với rủi ro giao dịch sẽ có các loại rủi ro sau:

  • Rủi ro lựa chọn là loại rủi ro liên quan đến thẩm định và phân tích tín dụng.
  • Rủi ro bảo đảm xuất phát từ các tiêu chuẩn đảm bảo.
  • Rủi ro nghiệp vụ là rủi ro liên quan đến quản trị hoạt động cho vay.

2. Nguyên nhân rủi ro tín dụng là gì?

Nó xuất phát từ nhiều yếu tố trong đó có cả yếu tố nội tại và cả yếu tố ngoại tại. Cụ thể, có các nguyên nhân hình thành chủ yếu sau đây:

2.1. Do môi trường tác động

Các lĩnh vực kinh tế, trong đó có hoạt động kinh doanh tiền tệ là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng và chứa nhiều nguy cơ rủi ro nhất khi xuất hiện những biến động về môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa,... Nhiều người vay có thể thích ứng và vượt qua được khó khăn này nhưng cũng có những cá thể, nhóm ngành bị đình trệ sản xuất, kinh doanh thua lỗ nên không có hoặc bị hạn chế khả năng chi trả các khoản nợ.

Ngược lại, khi nền kinh tế ổn định thì hoạt động tín dụng cũng được tạo điều kiện hơn, đồng thời các rủi ro về tài chính cũng ít xảy ra hơn.

2.2. Do tác động của ngân hàng mang lại

Rủi ro tín dụng cũng có thể xuất phát từ chính yếu tố nội bộ ngân hàng. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là thuộc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các nhân viên ngân hàng. Họ không có khả năng thẩm định, xử lý thông tin, đánh giá khách hàng thiếu chính xác từ đó đưa ra các gói tài chính không phù hợp với nhu cầu khách hàng, rủi ro cao...

Bên cạnh đó, các chính sách cho vay của ngân hàng có thể chưa hợp lý, sự kiểm soát trong các hoạt động cho vay còn thiếu chặt chẽ,... cũng là những nguyên nhân dẫn đến loại rủi ro này.

2.3. Rủi ro tín dụng do khách hàng

Đây là nguyên nhân chính yếu dẫn đến các rủi ro. Nguyên nhân này có thể bao gồm các yếu tố chủ quan như: khách hàng cố tình chiếm dụng vốn ngân hàng,... hoặc các yếu tố khách quan như: kinh doanh thua lỗ mất khả năng trả nợ, yếu kém trong năng lực quản lý, sử dụng vốn chưa hiệu quả, tình hình sức khỏe không tốt, mất việc làm, thất nghiệp,...

3.  Hậu quả của các rủi ro tín dụng đem đến

Khi tình trạng này xảy ra, nó không chỉ gây tổn thất và thiệt hại đến cá nhân người vay cũng như ngân hàng cho vay mà còn gián tiếp gây nên hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Cụ thể:

3.1. Tác động đến ngân hàng

Tín dụng là hoạt động cơ bản mang lại nguồn lợi chính cho ngân hàng, vì vậy khi nó xảy ra, chắc chắn nguồn lợi nhuận thu được từ tiền lãi cho vay của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Mặt khác, vốn được sử dụng cho vay trong các ngân hàng thương mại chủ yếu là vốn từ tiền gửi của khách hàng. Trong trường hợp có nợ xấu quá nhiều, ngân hàng sẽ phải huy động vốn tự có của mình. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, ngân hàng có thể sẽ mất khả năng thanh toán và dẫn đến phá sản.

Ngoài ra, điểm uy tín của ngân hàng và tầm ảnh hưởng hoạt động cũng bị hạn chế nhiều nếu có rủi ro tín dụng.

3.2. Tác động đến nền kinh tế

Hoạt động của ngân hàng ngày nay mang tính xã hội hóa cao, vì thế, chỉ cần một ngân hàng có sự thất thoát trong hoạt động tín dụng và không đáp ứng kịp thời thì cũng có thể gây nên tình trạng bất ổn cho toàn hệ thống ngân hàng. Đồng thời cán cân tiền tệ cũng bị xáo trộn và đe dọa đến nền kinh tế của một quốc gia.

4. Một số chỉ tiêu dùng để đánh giá rủi ro tín dụng

Đối với riêng lĩnh vực ngân hàng, nó được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí như sau:

4.1. Nợ quá hạn

Nợ quá hạn là khoản nợ mà đến thời hạn trả theo ký kết trên hợp đồng tín dụng mà khách hàng không có khả năng trả được một phần hay toàn bộ khoản nợ và được phân chia vào các nhóm nợ xấu.

Dựa vào chỉ tiêu nợ quá hạn hoàn toàn có thể biết được ngân hàng đang trong tình trạng rủi ro tín dụng cao hay không. Nợ quá hạn càng lớn về chỉ tiêu và số lượng khách hàng thì ngân hàng đó càng có rủi ro cao và ngược lại.

4.2. Nợ xấu

Nợ xấu là các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn.

Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu càng cao thì càng chứng tỏ có nguy cơ rủi ro càng lớn đồng thời việc thẩm định và đánh giá khách hàng của ngân hàng cũng chưa thực sự tốt.

4.3. Dự phòng rủi ro tín dụng là gì?

Loại này được tính trên số dư nợ gốc của khách hàng. Đây là khoản tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

rui-ro-tin-dung
Rủi ro tín dụng là gì?

5. Quy trình quản lý và xử lý rủi ro tín dụng

Để đảm các công tác này thật tốt thì người quản lý cần phải có các bước triển khai cụ thể. Vậy quy trình triển khai như thế nào? - Citinews xin được đưa ra các bước thực hiện sau đây:

  • Bước 1: Tính toán chính xác và xác định rủi ro tín dụng
  • Bước 2: Đo lường, lượng hóa rủi ro đem lại
  • Bước 3: Quản lý, giám sát chặt chẽ
  • Bước 4: Đưa ra các phương pháp giải quyết nếu rủi ro xảy ra

Sau đây là thông tin chi tiết cho từng bước

5.1. Tính toán chính xác và xác định rủi ro tín dụng

Đầu tiên cần thẩm định với từng khoản giải ngân. Phân tích rõ đối tượng vay vốn, đặc trung của từng doanh nghiệp vay, tính cạnh tranh của từng ngành đồng thời tìm hểu về doanh thu của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đó.

Đánh giá và phân tích hệ thống hoạt động của doanh nghiệp đồng thời đánh giá năng lực của lãnh đạo doanh nghiệp

5.2. Đo lường, lượng hóa rủi ro đem lại

Người quản lý cần sử dụng các công cụ chuyên ngành để đưa ra phân tích, báo cáo để tính toán được rủi ro qua những con số.

5.3. Quản lý, giám sát chặt chẽ kiểm soát rủi ro tín dụng

Quản lý và giảm sát chặt chẽ các doanh nghiệp vay và sử dụng vốn đúng mục đích. Nếu có dấu hiệu sai mục đích ở đây thì tạm thời tạm ngưng giải ngân và đề nghị giải trình và yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.

5.4. Đưa ra các phương pháp giải quyết nếu rủi ro xảy ra

Không giải ngân đối với các hợp đồng không tuân thủ các điều kiện tài chính
Không chấp nhận các hợp đồng có độ rủi ro cao (Tài sản thế chấp không đảm bảo, lĩnh vực đầu tư không rõ ràng…)

6. Các biện pháp biện pháp hạn chế rủi ro tín dụng

Như đã nói ở trên, rủi ro tín dụng không chỉ gói gọn ở hoạt động cho vay mà còn bao gồm nhiều loại khác. Vì thế, để phòng ngừa và giảm thiểu cần nghiên cứu và đưa ra các

biện pháp phòng ngừa rủi ro tín dụng phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của từng ngân hàng.

 Tuy nhiên, để hạn chế lớn nhất tình trạng này có thể xảy ra, cần lưu ý những điều sau đây:

  • Thiết lập các chính sách tín dụng phù hợp bao gồm chính sách khách hàng, chính sách quy mô và giới hạn tín dụng, chính sách lãi suất.
  • Xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng cho từng đối tượng khách hàng để có căn cứ cho việc xét duyệt và nâng cao quản lý chất lượng tín dụng.
  • Đa dạng hóa khách hàng cùng các phương tiện cho vay để phân tán các rủi ro.
  • Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nhân viên ngân hàng.
  • Có các biện pháp bảo đảm tín dụng bằng tài sản để nhằm phòng ngừa rủi ro cho ngân hàng.
  • Trích lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng để khắc phục các rủi ro nếu có các tình huống xấu xảy ra. 
  • Khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm tín dụng.

Như vậy qua bài viết trên, mọi thắc mắc về rủi ro tín dụng là gì cũng như tầm ảnh hưởng của nó và các biện pháp hạn chế đã được giải đáp. Citinews mong rằng những thông tin trong bài viết trên thực sự hữu ích.

Bình luận

Thông báo